Lời cảm ơn từ trái tim của bệnh nhân người Nga trước khi trở về quê hương

Đó là lời bộc bạch từ trái tim của bệnh nhân người Nga Sergey Paleev trước khi lên đường trở lại quê nhà tại xứ xở Bạch Dương ngày 23/7…

Nỗ lực cứu người đàn ông vào viện trong tình trạng không tiền, không giấy tờ tùy thân

Cách đây hơn một tháng, vào ngày 16/6, Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai tiếp nhận một người đàn ông ngoại quốc 59 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Lời cảm ơn từ trái tim của bệnh nhân người Nga trước khi trở về quê hương- Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9 (áo trắng cầm bệnh án) đánh giá tình trạng người bệnh. Ảnh: Thế Anh

Bệnh nhân được xác định là người Nga, có vợ đi cùng, nhưng đã bị mất giấy tờ tùy thân và không có tiền đóng viện phí, tuy nhiên các thầy thuốc của Trung tâm Cấp cứu A9 lập tức triển khai quy trình cấp cứu tích cực như đặt nội khí quản, thở máy, nâng huyết áp, điện tim, siêu âm cấp cứu tại giường, khí máu,… và tiến hành cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, chụp chiếu cấp cứu để đánh giá tình trạng người bệnh.

Kết quả xét nghiệm và đánh giá cho thấy, bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy thận, suy tim, phù phổi, xuất huyết tiêu hoá, có hội chứng động mạch vành bất ổn, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Ngày 18/6, Ban giám đốc bệnh viện chỉ đạo tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện để tập trung chuyên môn cao nhất cho người bệnh và phân công PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9 chủ trì hội đồng chuyên môn hội chẩn, với sự tham gia của trên 10 chuyên khoa chuyên sâu như Tim mạch, Nội tiết, Tiêu hóa, Hô hấp, Thận tiết niệu, Hồi sức tích cực, Điện quang… Cùng dự có đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp, Văn phòng bệnh viện và Phòng Công tác xã hội.

Hội đồng chuyên môn nhận định đây là trường hợp bệnh nhân rất nặng với nhiều tổn thương phủ tạng phối hợp phức tạp như viêm phổi nặng, suy thận mạn giai đoạn V, suy tim, phù phổi, xuất huyết tiêu hoá, hội chứng động mạch vành bất ổn, tăng huyết áp, đái tháo đường. Tình trạng suy đa tạng phức tạp nguy cơ tử vong rất cao.

Sau khi thảo luận, Hội đồng chuyên môn thống nhất các biện pháp điều trị tích cực nhất và toàn diện nhất.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết: Quan điểm của Ban Giám đốc và Hội đồng chuyên môn của bệnh viện là phải thực hiện trách nhiệm cao nhất đối với bất cứ bệnh nhân nào đến BV Bạch Mai, tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh, không phân biệt bệnh nhân đến từ đâu, có tiền hay không có tiền.

“Đó cũng là trách nhiệm của người thầy thuốc và cũng là trách nhiệm của con người với con người”- PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói.

Lời cảm ơn từ trái tim của bệnh nhân người Nga trước khi trở về quê hương- Ảnh 2.

Đại diện Phòng Công tác xã hội và Trung tâm Thận tiết niệu lọc máu trao phần tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho bệnh nhân Sergey Paleev. Ảnh: Thế Anh

Sau cuộc hội chẩn, mọi kỹ thuật chuyên môn hồi sức cấp cứu tích cực cho bệnh nhân tiếp tục được thực hiện như thở máy, dẫn lưu dịch màng phổi, xử trí các vấn đề tim mạch, kiểm soát huyết áp và lọc máu, liệu pháp kháng sinh, chống đông, dinh dưỡng, phục hồi chức năng,…

Mỗi người một việc, khối chuyên môn lo điều trị tích cực, khối hậu cần lo xác minh nhân thân, kinh phí điều trị cho bệnh nhân và hỗ trợ bữa ăn, quần áo cho vợ bệnh nhân.

Mang theo ân tình không đền trả được về quê hương…

Chỉ sau 10 ngày điều trị tích cực, ngày 28/6, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở, được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản thành công, có thể nói chuyện bình thường. Bệnh viện chuyển bệnh nhân sang lọc máu ngoại trú tuần 3 buổi tại Trung tâm Thận – Tiết niệu và lọc máu tiếp tục điều trị.

Lời cảm ơn từ trái tim của bệnh nhân người Nga trước khi trở về quê hương- Ảnh 3.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường (đứng cạnh vợ bệnh nhân Sergey Paleev) đại diện nhóm FBKN của các cựu giảng viên, sinh viên Khoa tiếng Nga Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội trao phần kinh phí hỗ trợ cho vợ bệnh nhân.Ảnh: Thế Anh

Bà Sveta – vợ bệnh nhân Sergey Paleev nhớ lại: “Khi chồng tôi trở bệnh nặng, xe cứu thương chở thẳng chúng tôi vào Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai. Tôi tất tả đi theo, không kịp mang theo cả quần áo từ phòng trọ. Không tiền, không giấy tờ, không cả quần áo, những ngày đầu tại BV Bạch Mai, ngoài việc được điều trị miễn phí, từ quần áo đến các bữa ăn của vợ chồng ông bà Paleev đều được Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện trợ giúp.

Bên cạnh đó, các hội nhóm những người từng học tập, làm việc tại Nga như nhóm “Hoài niệm Liên Xô”, nhóm FBKN của các cựu giảng viên, sinh viên Khoa tiếng Nga – Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và một số cựu lưu học sinh tại Liên Xô đã nhanh chóng vào cuộc kêu gọi quyên góp ủng hộ các chi phí sinh hoạt, viện phí cho bệnh nhân Sergey.

Đặc biệt, nhóm “Hoài niệm Liên Xô” còn liên hệ hỗ trợ làm thủ tục để vợ chồng người Nga có thể về trở về quê hương.

Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã hỗ trợ hai vợ chồng làm giấy tờ tùy thân mới. Vợ chồng bệnh nhân Sergey Paleev đã lên đường trở về nước sau hơn 10 năm sống tại Việt Nam.

Lời cảm ơn từ trái tim của bệnh nhân người Nga trước khi trở về quê hương- Ảnh 4.

Đại diện Nhóm “Hoài niệm Liên Xô” tặng quà cho vợ bệnh nhân. Ảnh: Thế Anh

Trên hành trình trở về quê hương nước Nga, vợ chồng bệnh nhân Sergey Paleev bảo rằng, họ luôn mang theo, khắc ghi những ân tình đã nhận được từ người dân Việt Nam và các thầy thuốc từ tâm của BV Bạch Mai… Những ân tình đó với họ khó có thể trả được…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *