Chi 25.000 tỷ mở rộng 2 đường huyết mạch liên kết vùng TPHCM lên 10 làn xe

Đó là 2 dự án: quốc lộ 1 (từ Kinh Dương Vương đến ranh Long An) và quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3) nằm trong 5 dự án nâng cấp, mở rộng cửa ngõ theo hình thức BOT mà Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thí điểm. 

Hiện nay, Sở GTVT TPHCM được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai dự án theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

w z5782655870294 0aa39292d3fcbcf244b296349d9525eb 3001.jpg
Kẹt xe ở cửa ngõ TPHCM là nỗi ám ảnh của người dân, nhất là các dịp lễ, Tết. Ảnh: Nguyễn Huế.

Quốc lộ 1: qua địa bàn huyện Bình Chánh (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh Long An): dài hơn 9km, nằm ở phía Tây của TPHCM, là trục đường huyết mạch kết nối với các tỉnh miền Tây. 

Hiện trạng có 12 điểm giao cắt, trong đó có 3 nút giao khác mức liên thông (nút Tân Kiên, nút Bình Thuận, nút Vành đai 3). Đoạn này mặt đường chỉ rộng từ 20-25m, với 4-6 làn xe, xe đông và thường xảy ra kẹt xe tại nút giao An Lạc kéo dài đến đường Trần Đại Nghĩa, cầu Bình Điền, nút Bình Thuận.

Với quy mô hiện hữu có những đoạn chưa phân chia làn xe hỗn hợp rõ ràng hoặc bề rộng làn xe hỗn hợp nhỏ, các phương tiện xe máy, xe thô sơ đang lưu thông chung làn đường với xe lớn không đảm bảo an toàn.

w z5782655853279 eff6db42fe3739788036fd7cc8d08fbe 2998.jpg
Hình ảnh kẹt xe kéo dài trên quốc lộ 1, đoạn qua khu vực cầu Bình Điền theo hướng TPHCM đi các tỉnh Miền Tây. Ảnh: Nguyễn Huế.

Báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án, tư vấn đề xuất phương án mở rộng quốc lộ 1 thành 3 đoạn chính: Đoạn từ cuối nút giao An Lạc đến cuối nút giao Tân Kiên (1,5km) sẽ cải tạo và mở rộng lên 60m cho 12 làn xe; đoạn từ cuối nút giao Tân Kiên đến nút giao Vành đai 3 (7km) mở rộng mặt đường lên 60m với 12 làn xe; đoạn từ nút giao vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Long An (0,8km) sẽ có quy mô rộng 60m cho 10 làn xe.

Bên cạnh đó, các hạng mục xây dựng thêm bao gồm cầu vượt tại nút giao đường Đoàn Nguyễn Tuấn, xây thêm nhánh cầu Bình Điền và cầu Bình Thuận, cùng việc cải tạo nút giao An Lạc. Phương án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.897 tỷ đồng.

Mo Rong Quc Lo 1 Tph.jpg
Phương án mở rộng quốc lộ 1 lên 10 – 12 làn xe. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

Theo tư vấn, so với phương án đi cao thì phương án đi bằng sẽ có ưu điểm tận dụng cầu Bình Điền và Bình Thuận hiện hữu, tránh việc phải tháo dỡ, xây lại cầu. Phương án đi bằng có chi phí xây dựng rẻ, thời gian thi công nhanh và kỹ thuật ít phức tạp so với đường trên cao. Dự kiến, dự án sẽ triển khai từ năm 2025 đến năm 2028.

Sau khi hoàn thành, đoạn quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh được mở rộng lên 10-12 làn xe sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Tây TPHCM, giảm tai nạn và tăng hiệu quả các dự án đang triển khai như: cao tốc Bắc – Nam, các tuyến Vành đai 2, 3 và 4 TPHCM.

Quốc lộ 22: đoạn qua huyện Hóc Môn và quận 12, là trục huyết mạch cửa ngõ Tây Bắc kết nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), đóng vai trò quan trọng trong giao thương với các nước ASEAN.

Hiện trạng, tuyến đường rộng từ 36-40m, với 2 làn ôtô và 1 làn xe máy mỗi bên, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng.

z6044239076651_7ca6b5ecd372dfa552452984929a799a.jpg
Bình đồ dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

Theo báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án, đoạn quốc lộ 22 dài 8,7km, điểm đầu tại nút giao An Sương (quận 12) và điểm cuối tại Vành đai 3 TPHCM (huyện Hóc Môn).

Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi thấp với các hạng mục mở rộng đường lên 60m với 10 làn xe, giao cắt khác mức bằng cầu vượt. 

So với các phương án đi trên cao, làm hầm chui tại các nút giao thì phương án đi thấp, xây cầu vượt có ưu điểm dễ dàng thi công, thời gian thực hiện nhanh, chi phí triển khai dự án thấp với tổng mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng (xây dựng 2.571 tỷ đồng). 

Tư vấn đề xuất nguồn vốn thực hiện dự án 3.541 tỷ đồng huy động theo hình thức BOT và 5.269 tỷ đồng từ ngân sách TPHCM (chiếm 51,89%).

z6044239070506_a6f0280e519db6d405fa93914f9c7a40.jpg
Tư vấn đề xuất phương án xây cầu vượt qua nút giao Nguyễn Văn Bứa – Lý Thường Kiệt. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

TPHCM dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, sau đó chọn nhà đầu tư để triển khai từ năm 2025 đến năm 2028.

Khi hoàn thành, đoạn này sẽ cùng với dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài có vốn 19.600 tỷ đồng dự kiến khởi công năm 2025 sẽ đảm bảo đồng bộ kết nối giao thông, giảm tải cho các tuyến hiện hữu và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *