tin sáng 14/11

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần biết một thông tin quan trọng

Tin sáng 14/11: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần biết một thông tin quan trọng; vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?- Ảnh 2.

Các trang thông tin giả mạo Cục nghiệp vụ Bộ Công an hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng Công an cả nước đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đấu tranh quyết liệt với tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên hiện nay, một số đối tượng đã thiết lập nhiều trang web, trang thông tin, trang mạng xã hội giả mạo các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số trang giả mạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an như: “Cục An ninh mạng”, “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”…

Các trang này đưa thông tin khuyến cáo người dân về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống. Đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều người dân khi truy cập vào các trang mạng này không phân biệt được đâu là thông tin chính thức, thậm chí có người đã tiếp tục trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo khi nghe, làm theo hướng dẫn trên các trang giả mạo này.

Để chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho người dân, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng công an các tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trọng tâm là cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó có việc các đối tượng lập các trang giả danh website, facebook các Cục nghiệp vụ Bộ Công an để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời khuyến cáo người dân: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm hoạt động sử dụng công nghệ cao. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các Cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an không có chức năng hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo cho công dân.

Ngoài ra, để cập nhật thông tin, tình hình, phương thức thủ đoạn lừa đảo nhằm chủ động phòng tránh, đề nghị người dân truy cập vào 3 Fanpage/Kênh chính thức của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên các nền tảng mạng xã hội gồm: Fanpage (https://fb.com/cschd.gov.vn); Tài khoản Tiktok (https://tiktok.com/@cschd.gov.vn) và kênh Youtube (https://youtube.com/@pctpluadaotructuyen).

Bên cạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm không gian mạng của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với các hành vi lừa đảo, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?

Tin sáng 14/11: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần biết một thông tin quan trọng; vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?- Ảnh 3.

Đã bước vào mùa đông, nhưng nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội mấy ngày qua đều vượt ngưỡng 30 độ C. (Ảnh: Viên Minh)

Thông tin trên VTC News, theo lịch vạn niên, năm nay lập đông bắt đầu từ ngày 7/11. Trước đó vào thời điểm cuối thu, miền Bắc đã đón nhiều đợt không khí lạnh, miền núi có thời điểm trời rét về đêm và sáng, trung du ven biển đêm và sáng trời lạnh.

Tuy nhiên, gần 1 tuần sau ngày lập đông, thời tiết ban ngày ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc nắng mạnh như mùa hè, nhiệt độ cao nhất có nơi lên tới 31-32 độ C, cảm giác oi bức, ngột ngạt.

Theo biểu đồ nhiệt độ 10 ngày qua của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ ngày lập đông tới nay, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội 31 độ C, ghi nhận lúc 16h ngày 10/11 và 13h ngày 11/11. Ngày 9 và 12/11, nhiệt độ cao nhất 30 độ C.

Hôm nay, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội có nơi trên 32 độ C. Một số địa phương khác như Hoà Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh cũng ghi nhận mức nhiệt 32-33 độ C.

Lý giải về những thay đổi của thời tiết, ông Nguyễn Hồng Sinh – Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn TP Hải Phòng cho biết, những ngày qua, khối không khí lạnh lục địa với bản chất là lạnh và khô đang trong quá trình suy yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới tiếp tục chi phối miền Bắc. Diễn biến xu thế trên ảnh hưởng thời tiết trong thời điểm này.

“Trời giảm mây, Mặt Trời chiếu xuống khiến nóng về ban ngày. Ban đêm, trời quang mây, hiện tượng phát xạ nhiệt diễn ra làm cho nhiệt độ giảm, dẫn đến biên độ nhiệt ngày và đêm khá cao, lên đến cả 10 độ C. Chính vì vậy, ban đêm ở Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung trời chuyển lạnh, có nơi rét, ban ngày trời nắng. Tại Hải Phòng, những ngày qua cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất 31-32 độ C”, ông Sinh nói.

Cùng bàn về vấn đề này, bà Lê Thị Xuân Lan – nguyên Phó phòng Dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho hay, trên Biển Đông những ngày qua dồn dập bão đổ bộ. Khi hình thành những cơn bão như vậy, nguồn nhiệt kể cả nguồn nhiệt tự nhiên trên vùng Bắc Biển Đông tương đối cao so với bình thường.

“Những cơn bão hình thành sẽ tạo điều kiện toả thêm một nguồn nhiệt vào bầu khí quyển xung quanh đường đi của cơn bão. Vì vậy, miền Bắc những ngày vừa qua khá quang mây, bức xạ nhiệt ban ngày tương đối cao, ban đêm giảm. Điều này cũng lý giải trước bão trời thường oi”, bà Lan phân tích.

Ngoài ra, những ngày qua, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội tương đối cao. Tình trạng ô nhiễm khiến bầu không khí ngột ngạt, khó chịu hơn và cũng giữ nguồn nhiệt trong bầu khí quyển.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, trong vòng 1 tháng tới, hoạt động của không khí lạnh có thể yếu hơn trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C.

Khoảng 17-18/11, một đợt không khí lạnh khả năng tăng cường trở lại miền Bắc.

Rét đậm, rét hại tại khu vực này sẽ xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12, giống như các năm trước. Người dân cần đề phòng những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại vùng núi phía Bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này.

“Năm nay rét đến muộn, mùa đông sẽ lặp lại tiết trời có lúc trời rét đậm, có nơi rét hại nhưng rét đậm, rét hại không kéo dài quá lâu trong mỗi đợt, nhiệt độ không giảm quá thấp.

Thậm chí, những vùng núi cao như Fansipan, Sìn Hồ, Mẫu Sơn, Sa Pa… tình trạng băng giá có nhưng xảy ra từng đợt không kéo dài lâu. Nhiệt độ có thể xuống -1, -2 độ C ở Fansipan, băng giá và tuyết rơi nhẹ nhưng ít đợt hơn và thời gian ngắn hơn”, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan dự báo.

Quy định mới về lãi suất tiền gửi sắp có hiệu lực

Tin sáng 14/11: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần biết một thông tin quan trọng; vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?- Ảnh 4.

Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định mới về lãi suất tiền gửi. Ảnh minh họa

Trên SKĐS, ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết vừa ban hành các văn bản quy định về lãi suất tiền gửi, nhằm bảo đảm tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các thông tư quy định về lãi suất tiền gửi.

Cụ thể, quyết định số 2410/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.

Quyết định số 2411/QĐ-NHNN ngày 1/11 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 48 ngày 30/9 của NHNN.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/11. Theo NHNN, các quy định mới sẽ chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.

Diễn biến mới vụ PCT huyện cho con gái 600 công đất

Tin sáng 14/11: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần biết một thông tin quan trọng; vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?- Ảnh 5.

Vợ chồng ông Mến, bà Liềm trong đám hỏi của con gái.

Thông tin trên Vietnamnet, vụ việc vợ chồng ông Bùi Văn Mến (Phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) và vợ là bà Trần Thị Kim Liềm nói hồi môn cho con gái 600 công đất, bán đi được 90 tỷ đồng trong đám hỏi của con đang khiến dư luận xôn xao.

Mới đây, ông Phạm Hoàng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Giang Thành vào cuộc kiểm tra thông tin nói trên.

Ông Mến là cán bộ không thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý mà thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy Giang Thành quản lý.

“Trước mắt, tôi giao cho huyện xử lý trước rồi báo cáo. Tôi yêu cầu các anh em kiểm tra xem hồ sơ kê khai tài sản, thu nhập và đặc biệt giấy tờ đất có kê khai trung thực không. Vì dư luận đặt vấn đề huyện nghèo nhưng lãnh đạo huyện giàu vậy nên chúng tôi phải kiểm tra lại”, ông Nam nói trên Tuổi Trẻ Online.

Trước đó, MXH bất ngờ trước đoạn clip ghi lại cảnh vợ ông Mến nói sẽ cho con gái 600 công đất, bán đi được 90 tỷ cùng một số nữ trang.

Ngay sau đó, gia đình ông Mến đã lên tiếng đính chính rằng bà Liềm bị bệnh nhiều năm qua nên nhớ nhầm. Ông Mến nói gia đình chỉ có tổng cộng 8,6ha đất lúa, là tài sản 2 bên gia đình cho vợ chồng ông Mến từ trước. Hôm đám hỏi con gái, vợ chồng ông Mến định cho con 6ha, tính ra khoảng 9 tỷ đồng nhưng lại nói nhầm thành 600 công, bán được 90 tỷ. Ông Mến cũng làm tường trình với Huyện ủy và UBND huyện về kê khai tài sản.

Có gì trong Nghị định mới được bổ sung về kinh doanh dịch vụ karaoke?

Nghị định số 148/2024/NĐ-CP bổ sung trách nhiệm chung của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Theo đó, nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sửa đổi về phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự như sau: Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường, phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và Nghị định số 56/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định số 148 cũng bổ sung trách nhiệm chung của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là phải bảo đảm tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Trường hợp tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nghị định số 148 sửa đổi, bổ sung quy định về “Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đù điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường” như sau: UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

Sở VHTT&DL hoặc Sở VH&TT tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh; Việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

Nghị định trên cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.

Hé lộ nguyên nhân khiến giá cau Việt xuất khẩu sang Trung Quốc lao dốc

Tin sáng 14/11: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần biết một thông tin quan trọng; vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?- Ảnh 6.

Giá cau vọt lên 85.000 đồng/kg vào tháng 10 chỉ sau khoảng chục ngày đã lao dốc còn 25.000 đồng/kg.

Vietnamnet thông tin, biến động giá cau xuất khẩu vừa được giải mã tại hội thảo “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/11 ở Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cau là một trong số 29 loại thực phẩm dùng để bào chế thuốc đông y được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thương nhân Trung Quốc muốn nhập cau Việt về làm thuốc vì cau Việt Nam có hàm lượng chất giảm đau cao, có thể bào chế được nhiều sản phẩm.

Ngoài ra, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, người Trung Quốc dùng cau không chỉ để làm kẹo ngậm mà còn để ăn trầu. Hiện có khoảng 50-60 triệu người Trung Quốc ăn trầu.

Trước đây, người Trung Quốc thường sử dụng cau trồng ở đảo Hải Nam. Năm nay, nhiều cơn bão tấn công đã khiến sản lượng lớn cau ở đảo này bị thiệt hại. Vì vậy, họ tăng giá mua và sản lượng cau Việt Nam nhập khẩu.

“Tuy nhiên, ngay sau khi sản xuất cau nội địa phục hồi, họ không mua cau của chúng ta nữa, vì thế giá cau Việt xuất khẩu giảm mạnh. Sang năm, giá cau Việt xuất khẩu có tăng hay không thì cũng hên xui, phụ thuộc thời tiết”, ông Nguyên phân tích.

Câu chuyện tương tự từng xảy ra với mặt hàng bắp cải: Bất ngờ xảy ra bão, Trung Quốc tăng mạnh sản lượng nhập khẩu bắp cải Việt Nam. Không có bão, nhu cầu nhập khẩu gần như bằng 0.

Ông Nguyên lưu ý, với những mặt hàng rau quả mà người Trung Quốc cũng sản xuất được thì hàng Việt rất khó cạnh tranh. Bên cạnh chi phí logistics thấp, hàng Trung Quốc còn có sự hậu thuẫn lớn là tinh thần ủng hộ hàng nội của người dân và Chính phủ Trung Quốc luôn ưu tiên bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.

Ông dẫn chứng thêm mặt hàng thanh long: Từ năm 2022 về trước, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường tỷ dân luôn đạt giá trị tỷ đô, nhưng từ năm 2022 đến nay sụt dần, giờ chỉ còn khoảng 500 triệu USD.

Báo cáo 9 tháng đầu năm nay của Hải quan Trung Quốc ghi nhận lượng thanh long nhập về nước này giảm 40% so với năm 2023. Thanh long Việt Nam bị thanh long Trung Quốc cạnh tranh rất quyết liệt.

“Rau quả nội địa Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh rất đáng sợ của chúng ta”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam nhận định, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp, nông dân Việt muốn xuất khẩu thành công vào thị trường tỷ dân, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm thì quan trọng nhất là phải nghiên cứu thời vụ sản xuất của Trung Quốc.

Ví dụ, mùa đông lạnh, không trồng được nhiều thanh long thì phía Trung Quốc sẵn sàng nhập lượng lớn thanh long Việt Nam. Nhưng từ tháng 5 đến tháng 11, 12, họ tự đảm bảo được nguồn cung nội địa sẽ giảm lượng mua hoặc ngừng mua.

Hay, tháng 11-12 năm ngoái, khí hậu chưa lạnh lắm, chuối của Trung Quốc còn nhiều nên họ ngưng nhập chuối Việt Nam. Những doanh nghiệp sở hữu trang trại chuối lớn của Việt Nam đã nghiên cứu kỹ, không gia tăng sản xuất ở thời điểm này nên ít bị thiệt hại.

“Tuy nhiên, người nông dân không tìm hiểu thông tin, cứ thấy năm trước bán được giá năm nay lại trồng nhiều, cuối cùng chuối đổ đầy đồng, rớt giá, lỗ nặng”, ông Nguyên dẫn bài học kinh nghiệm để tránh “lặp lại vết xe đổ” trong tương lai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *