Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiêm nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1333/QĐ-TTg bổ nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Theo Quyết định trên, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia;
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, hoạt động chuyên trách;
TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế kiêm nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng;
TS. Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế kiêm nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hội đồng Y khoa Quốc gia có con dấu, tài khoản riêng và trụ sở đặt tại Thành phố Hà Nội.
Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có các Ban chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng. Thành viên của các Ban chuyên môn gồm một số Ủy viên Hội đồng và chuyên gia của các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe và hội (hiệp hội) nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có cơ quan giúp việc là Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia. Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập theo quy định của pháp luật.
Bão Yinxing thay đổi cường độ và liên tục đổi hướng
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong những giờ tới, bão Yinxing trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines), di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Khoảng 19h ngày 8/11, bão đổi hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15-20km/h và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024. Vị trí tâm bão ở phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 640km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Đến 19h ngày 9/11, bão tiếp tục đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Vị trí tâm bão trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 320km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Do tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, từ đêm 7/11 tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 16, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm 6-8m, biển động dữ dội.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; đưa người dân tránh trú vào nơi an toàn.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước và hạ du, chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tìm thấy 2 phi công trong vụ máy bay rơi ở Bình Định
Theo TTXVN, đêm 6/11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940, phi công trong vụ máy bay quân sự rơi tại Bình Định.
Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiếp cận được vị trí của Đại tá Nguyễn Văn Sơn vào lúc 22 giờ 30.
Trước đó, lúc 20 giờ 5, lực lượng này cũng đã tiếp cận được vị trí của Thượng tá Phi công Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay.
Như vậy, cả hai phi công trong vụ rơi máy bay quân sự Yak-130 (số hiệu 210 D) đã được tìm thấy. Tình hình sức khỏe của cả hai phi công cơ bản ổn định và đang được đưa xuống núi.
Trước đó, sáng 6/11, Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức ban bay huấn luyện ngày tại sân bay Phù Cát, với máy bay Yak-130 (số hiệu 210D).
Máy bay bay bài 208, bay đường dài – không vực – xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp, do Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng sau.
Máy bay cất cánh lúc 9h55 sáng đến 10h38 sáng khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.
Phi công báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù. Hai phi công đã nhảy dù lúc 10h51 phút tại khu vực Trường bắn TB2, Tây Sơn, Bình Định.
Sau nhiều giờ máy bay rơi, vào chiều tối cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhận được thông tin từ điện thoại di động của Đại tá Phi công Nguyễn Văn Sơn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940.
Ít phút sau, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân – Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940 cũng liên lạc về với đơn vị. Vị trí của thượng tá Quân là đoạn sông Cút thuộc khu vực xã Tây An, huyện Tây Sơn.
Công an vào cuộc vụ 20 trẻ mầm non nhập viện nghi do ăn nhầm thuốc diệt chuột
Theo NLĐO, Công an huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) cho biết đang vào cuộc xác minh vụ việc 20 trẻ mầm non nhập viện nghi do ăn nhầm thuốc diệt chuột. Trước hết là về nguồn gốc số thuốc diệt chuột sinh học xuất hiện trong trường học.
Trước đó, vào 10 giờ ngày 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận tổng số 20 trẻ trong tình trạng nghi bị ngộ độc thuốc diệt chuột, trong đó có 2 trẻ triệu chứng đau bụng, buồn nôn, quấy khóc.
Sở Y tế Lai Châu phối hợp với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cùng các y, bác sĩ thực hiện quy trình cấp cứu ngộ độc thuốc diệt chuột theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của chuyên gia.
Theo Trường Mầm non Giang Ma, lớp mầm non 25 – 36 tháng tuổi có 20 học sinh và 2 giáo viên phụ trách là cô Lò Thị Thiên và Đinh Thị Hường. Sáng 5/11, khi xảy ra vụ việc, 1 cô trong nhà vệ sinh, còn 1 cô đang chăm sóc trẻ.
Khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, khi quay lại lớp, giáo viên phát hiện một số trẻ đang cầm trên tay các viên thuốc màu hồng nghi là thuốc diệt chuột sinh học.
Tuyên dương 32 nhà giáo trẻ Thủ đô tiêu biểu
Theo Báo Hànộimới, Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đoàn – Hội, phong trào thanh niên khối trường học Thủ đô năm học 2023-2024 và tuyên dương các “Nhà giáo trẻ Thủ đô tiêu biểu” cấp thành phố năm 2024.
Tại chương trình, Thành đoàn Hà Nội đã vinh danh và trao danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp thành phố năm 2024 tặng 32 thầy, cô giáo trẻ xuất sắc đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện, THPT trên địa bàn thành phố.
Danh hiệu này nhằm tôn vinh những nỗ lực và cống hiến của các nhà giáo trẻ trong sự nghiệp giáo dục, cũng như những cống hiến truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu cho thế hệ trẻ Thủ đô. Trong số 32 thầy, cô giáo được tuyên dương có 18 giảng viên hệ đại học, 1 giảng viên hệ cao đẳng, 13 giáo viên THPT.
Trung ương Đoàn cũng trao 1 cờ thi đua, bằng khen xuất sắc tặng 52 tập thể, 40 cá nhân thuộc khối THPT; 7 cờ thi đua, bằng khen xuất sắc tặng 42 tập thể, 63 cá nhân thuộc khối đại học, cao đẳng, học viện.
Ngoài ra, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao cờ tặng 7 đơn vị xuất sắc dẫn đầu cụm thi đua, bằng khen tặng 108 tập thể và 126 cá nhân. Hội Sinh viên thành phố Hà Nội trao 19 cờ tặng các đơn vị xuất sắc cùng với 117 bằng khen tập thể và 129 bằng khen cá nhân.
Cho nữ hiệu trưởng thôi việc sau vụ bữa cơm giáo viên chỉ có 2 miếng chả
Trên VietNamNet, lãnh đạo UBND huyện Châu Đức cho biết vừa có quyết định giải quyết cho bà Phan Thị Hán Huệ – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thôi việc theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 6/11.
Bà Huệ có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ, hồ sơ giấy tờ có liên quan cho Trường Mầm non Ánh Dương theo quy định.
Trước đó, tại Trường Mầm non Ánh Dương xảy ra lùm xùm về suất cơm của giáo viên “30 nghìn đồng nhưng chỉ có 2 miếng chả” gây xôn xao dư luận.
Ngày 19/9, sau buổi đối thoại giữa chủ tịch huyện và tập thể giáo viên, Thanh tra huyện Châu Đức đã có quyết định thanh tra toàn diện đối với trường này.
Theo kết luận thanh tra, trong công tác hoạt động của nhà trường có hàng loạt tồn tại, hạn chế và thiếu sót về việc triển khai quy chế dân chủ, nội dung tăng thu nhập, thực hiện hợp đồng lao động, công khai tài chính…
Từ đó, Chánh thanh tra huyện Châu Đức kiến nghị Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương xử lý dứt điểm các hạn chế, thiếu sót; kiến nghị Chủ tịch huyện xử lý trách nhiệm đối với bà Phan Thị Hán Huệ với vai trò là hiệu trưởng và các cá nhân có liên quan đến các hạn chế, thiếu sót nói trên.
Tuy nhiên, trước khi có kết luận thanh tra, vào giữa tháng 10, bà Phan Thị Hán Huệ đã có đơn xin nghỉ việc gửi đến UBND huyện Châu Đức.
Ngoài lý do xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo và phải tiếp tục điều trị bệnh, bà Huệ cũng thừa nhận đã để xảy ra những thiếu sót, việc quản lý điều hành gây mất đoàn kết nội bộ, chưa chỉ đạo kịp thời trong vấn đề công khai các hoạt động.