Áp lực khi phụ nữ theo nghề “thầy cãi”
Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào các ngành nghề vốn thường được coi là lĩnh vực của nam giới, trong đó có nghề luật sư. Tuy nhiên, việc theo đuổi sự nghiệp trong ngành luật không phải là con đường dễ dàng, đặc biệt đối với các nữ luật sư khi họ phải đối mặt với nhiều thách thức về áp lực công việc và trách nhiệm gia đình.
Luật sư Trâm Anh – Công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ, lý do chị theo đuổi nghề luật ban đầu chỉ vì sự yêu thích qua phim ảnh, nhưng càng đi sâu vào nghề, chị càng nhận ra vai trò quan trọng của luật sư trong việc giúp đỡ những người yếu thế. Tuy nhiên, cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình vẫn là một khó khăn lớn đối với những phụ nữ theo nghề luật sư.
“Đối với phụ nữ, việc phải làm việc ngoài giờ hay đi công tác xa khiến họ không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Điều này đòi hỏi bản thân mình không chỉ có đam mê với nghề mà còn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là từ chồng và bố mẹ chồng”, Luật sư Trâm Anh tâm sự.
Tương tự, Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương – Công ty Luật Everest (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, luật sư thường phải đối mặt với nhiều thách thức. Đối với phụ nữ, công việc luật sư đòi hỏi phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi để giải quyết vấn đề cấp bách của khách hàng. Tuy nhiên, công việc luật sư cũng có những lợi ích như thu nhập ổn định, sự tôn trọng từ xã hội và cơ hội giúp đỡ người khác.
“Nghề luật sư đòi hỏi một quá trình đào tạo dài và cường độ làm việc cao. Các luật sư thường phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, từ khách hàng đến xã hội, đồng thời phải duy trì hình ảnh chuyên nghiệp. Đối với nữ giới, áp lực này còn nặng nề hơn khi họ phải đảm bảo công việc và chăm lo cho gia đình”, Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương chia sẻ.
Trong khi đó, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Công ty Luật Đức An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, các luật sư thường phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, từ khách hàng đến xã hội, đồng thời phải duy trì hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt công chúng.
“Luật sư là một nghề đòi hỏi lòng dũng cảm, sự quyết đoán nên cần lòng yêu nghề và quyết tâm bảo vệ công lý. Đối với nữ giới, áp lực này còn nặng nề hơn khi họ phải đảm bảo công việc và chăm lo cho gia đình”, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo nói.
Những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề
Các nữ luật sư đều có những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của mình, và đó cũng là những dấu ấn đặc biệt giúp họ gắn bó hơn với nghề. Luật sư Hoài Thương kể lại, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là hành trình ròng rã suốt 5 năm cùng đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi cho hàng chục hộ gia đình trong một vụ án thu hồi đất tại huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng).
“Kết quả thành công của vụ án không chỉ là sự hài lòng của khách hàng mà còn là sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ và là niềm tự hào lớn trong sự nghiệp của tôi”, Luật sư Hoài Thương tâm sự.
Đối với Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là vụ kiện đầu tiên mà chị nhận tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động và giành được thắng lợi.
“Đây cũng chính là “cái duyên” đưa tôi đến với người lao động, cũng như hành trình theo đuổi công lý vì người lao động sau này. Sau này là kỷ niệm trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong các vụ án bảo vệ quyền trẻ em”, Luật sư Phạm Bích Hảo tâm sự.
Trong khi đó, Luật sư Trâm Anh cho biết, kỷ niệm mà bản thân chị nhớ nhất đó là việc tham gia một buổi thẩm định giá tài sản trong một vụ án dân sự tại Sơn La. Thân chủ của chị ở tận Thị trấn Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) nên buổi đó đi cùng khách hàng và hội đồng thẩm định của toà án từ sáng sớm đến tận tối muộn.
“Tôi cùng mọi người trong đoàn thẩm định leo rừng cả buổi, bữa trưa là xôi và cơm nắm. Tôi quê ở Thái Nguyên, nhưng ít được đi rừng, nên buổi đó khi chuẩn bị leo xuống để về thì tôi có giẫm phải con vắt rừng khiến tôi rất sợ và run nên đã chạy một mạch xuống đến chân rừng khiến cả hội đồng thẩm định được phen cười nắc nẻ”, Luật sư Trâm Anh nhớ lại.
Theo luật sư Trâm Anh, mặc dù rất mệt nhưng thật sự buổi thẩm định hôm đó khiến bản thân chị thấy rất vui. Đặc biệt, sau buổi thẩm định có rất nhiều thông tin, số liệu được làm rõ, việc này giúp ích được rất nhiều cho thân chủ của chị trong vụ việc đó tại toà. Vụ án sau đó thành công ngoài mong đợi, quyền lợi của thân chủ đã được bảo vệ tối đa.
Bí quyết cân bằng áp lực công việc và gia đình
Công việc luật sư vốn dĩ đầy thử thách và áp lực, nhưng đối với các nữ luật sư, những khó khăn đó lại trở nên phức tạp hơn khi họ phải cân đối giữa công việc và trách nhiệm gia đình. Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nữ luật sư là làm thế nào để cân bằng giữa công việc bận rộn và cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, mỗi người đều có những cách riêng để vượt qua khó khăn này. Mỗi người đều có những cách riêng để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng điểm chung của họ là tình yêu nghề và tình yêu gia đình luôn song hành cùng nhau. Trong đó, bí quyết không chỉ đến từ kỹ năng quản lý thời gian, mà còn là sự hỗ trợ từ gia đình và người thân.
Luật sư Trâm Anh cho rằng, yếu tố quan trọng giúp chị duy trì được sự cân bằng này chính là sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là từ chồng và bố mẹ chồng. Chồng chị là quân nhân, luôn thấu hiểu và tôn trọng công việc của cô.
Không chỉ vậy, bố mẹ chồng cũng tạo điều kiện để chị có thể hoàn thành công việc của mình, thậm chí giúp chị chăm sóc con cái khi cô phải đi công tác xa. Với sự giúp đỡ từ hai bên gia đình, chị có thể tập trung vào công việc khi cần, và khi về nhà, chị dành toàn bộ thời gian cho gia đình mà không phải lo lắng về công việc.
“Thông thường, nhiều gia đình khi biết con trai yêu một người phụ nữ làm nghề “thầy cãi” sẽ rất e ngại rằng sau này sẽ “cãi lại” chồng hoặc lo lắng con dâu sẽ vất vả. Nghề luật có vất vả nhưng bố mẹ cả hai bên cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi và luôn tự hào khi con gái, con dâu bảo vệ, bào chữa được nhiều vụ án thành công”, Luật sư Trâm Anh tâm sự.
Luật sư Hoài Thương cũng nhấn mạnh rằng, gia đình là nền tảng quan trọng giúp chị thành công trong sự nghiệp luật sư. Chồng chị là một doanh nhân, luôn cần đến sự tư vấn pháp lý từ chị trong công việc hàng ngày. Điều này không chỉ giúp hai vợ chồng hiểu rõ công việc của nhau hơn, mà còn giúp họ gắn kết hơn trong cuộc sống hôn nhân.
Nữ luật sư chia sẻ rằng, tư duy pháp lý không chỉ giúp bản thân giải quyết các vấn đề của khách hàng, mà còn giúp xử lý các tình huống khó khăn trong cuộc sống gia đình. Điều này làm cho vai trò của chị trong gia đình trở nên quan trọng và cần thiết.
“Bí quyết của tôi là khi có công việc tôi sẽ tập trung 100% để giải quyết sau đó tôi sẽ dành trọn thời gian cho gia đình và gác công việc sang một bên. Như vậy tôi luôn có đủ thời gian để dành cho công việc và gia đình mà không cần phải hi sinh bên nào”, Luật sư Hoài Thương nói.
Về phần Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, chị cho rằng việc có sự ủng hộ từ gia đình là một yếu tố quan trọng để cô có thể theo đuổi nghề nghiệp mà mình đam mê. Gia đình cô luôn đứng sau hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi chị cần.
“Để cân bằng giữa công việc và gia đình, điều quan trọng nhất là biết cách sắp xếp thời gian một cách hợp lý và không ngại nhờ đến sự giúp đỡ từ người thân. Tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc trong giờ hành chính, để khi về nhà có thể dành trọn vẹn thời gian cho gia đình”, Luật sư Bích Hảo chia sẻ.
Không chỉ là những người bảo vệ công lý, các nữ luật sư còn đóng vai trò là những người vợ, người mẹ trong gia đình. Bí quyết thành công của họ không phải là việc hy sinh một trong hai vai trò, mà là biết cách cân bằng và làm tốt cả hai. Họ chứng minh rằng, phụ nữ không chỉ có thể thành công trong sự nghiệp, mà còn có thể giữ gìn được hạnh phúc gia đình.
Nam Anh