Người bệnh tiểu đường ăn rau dền có tốt không?
Rau dền là món ăn phổ biến của các gia đình người Việt. Rau dền được sử dụng trong ẩm thực gồm có dền đỏ (hay còn gọi là dền tía), dền cơm và dền gai… những loại rau này đều mang lại hương vị ngon và cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
Người bệnh tiểu đường được khuyến khích ăn rau dền bởi loại rau này chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu và chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe. Hàm lượng sắt và canxi trong rau dền khá cao trong số các loại rau tốt cho người bệnh tiểu đường. Rau dền cũng giàu kali và chất xơ, do đó được xem là thực phẩm tốt cho tim mạch.
Bên cạnh đó, lá rau dền cũng rất giàu protein, chế độ ăn giàu protein giúp kiểm soát cơn thèm ăn vì nó làm giảm nồng độ insulin trong máu và giúp bạn có cảm giác no. Không chỉ lá, hạt rau dền còn là nguồn cung cấp protein dồi dào và hoàn toàn không chứa gluten.
Ngoài ra, tiêu thụ 100g lá rau dền chỉ cung cấp 23 calo cùng với hàm lượng chất xơ dồi dào là những yếu tố giúp giảm cholesterol máu, phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.
Công dụng của rau dền với người bệnh tiểu đường
Giúp ổn định đường huyết
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn rau dền thường xuyên giúp ổn định đường huyết, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Rau dền còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng tăng lượng đường trong máu như béo phì.
Giúp giảm biến chứng răng miệng
Rau dền là một phương thuốc hữu hiệu làm giảm các biến chứng răng miệng như đau, sưng lợi, viêm họng hay viêm loét miệng.
Giúp giảm hàm lượng cholesterol
Rau dền còn có khả năng làm giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, tocotrienol – một loại vitamin E có trong loại rau này cũng giúp loại bỏ cholesterol xấu và ngăn ngừa bệnh mạch vành.
Giúp tăng tế bào hồng cầu
Việc thiếu hụt chất sắt trong cơ thể có thể gây ra hiện tượng thiếu máu. Hàm lượng sắt dồi dào trong rau dền có vai trò gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu, rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Người bệnh tiểu đường nếu mắc các bệnh sau cần hạn chế ăn rau dền
Mặc dù rau dền được xem là lành tính và có lợi đối với người bệnh tiểu đường nhưng người bệnh tiểu đường nếu mắc bệnh sau đây cần lưu ý:
Người bị suy thận
Rau dền có lượng đạm nhiều hơn các loại rau khác nên với bệnh nhân đái tháo đường kèm suy thận cần hạn chế đạm thì cũng cần hạn chế ăn rau dền. Điều này có nghĩa là người bệnh chỉ nên thỉnh thoảng ăn với số lượng ít nhưng cũng tùy thuộc vào mức độ suy thận của người bệnh. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị khi băn khoăn về chế độ ăn.
Người bị sỏi thận
Mặc dù rau dền giàu canxi, kẽm, vitamin A và các chất chống oxy hóa nhưng hàm lượng axit oxalic trong rau dền cũng khá cao. Do đó, bệnh nhân sỏi thận nên hạn chế ăn rau dền.
Người bị viêm khớp dạng thấp, gout
Người bệnh đái tháo đường kèm viêm khớp do gout nên hạn chế ăn rau dền bởi rau dền có hàm lượng purin cao, có thể làm gia tăng nồng độ axit uric máu, khi gặp điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thấp, tinh thể urat có thể kết tinh và lắng đọng ở khe khớp, gây viêm, sưng và đau khớp.
Người tiểu đường ăn rau dền bao nhiêu là đủ?
Rau dền tính mát và nhuận tràng rất tốt nên các chuyên gia dinh dưỡng chỉ khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên ăn không quá 200g rau dền mỗi ngày.
Lưu ý, rau dền nấu chín không nên hâm đi hâm lại nhiều lần vì nitrat có trong lá sẽ bị chuyển đổi thành nitrit là chất nguy cơ gây ung thư và không tốt cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, rau dền khi nấu chín không nên để qua đêm vì rau dền có khả năng hấp thu ánh sáng cao, để qua đêm không tốt cho sức khỏe.