Thông tin trên được ông Đỗ Tấn Long – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng – cho biết tại buổi họp báo định kỳ của UBND TPHCM diễn ra chiều nay (10/10).
Cụ thể, trận mưa bắt đầu từ 13h55 và kết thúc lúc 18h55 ngày 8/10, cao điểm mưa là từ 14h30 đến 15h30. Vũ lượng mưa lớn nhất đo được là 116mm, đỉnh triều cao nhất là 1,36m.
Theo ông Long, trận mưa khiến 10 tuyến đường thuộc địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh… bị ngập.
Trong đó, 5 tuyến ngập tức thời và nước rút sau 30 phút, gồm: đường Trường Sơn (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Bình Quới (quận Bình Thạnh).
Có 5 tuyến ngập theo tiêu chí, gồm: tuyến D5 (thuộc cửa xả rạch cầu Sơn), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh.
“Hệ thống cống lớn tại TPHCM được xây dựng từ trước năm 2015 với khả năng chịu đựng 85mm nước trong 3 giờ, các hệ thống cống nhỏ có khả năng chịu đựng còn thấp hơn. Trận mưa vừa rồi vượt tần suất thiết kế nên khả năng ngập là không tránh khỏi.
Với việc hệ thống thoát nước của địa phương đang quá tải, tình trạng ngập nước có thể tiếp tục diễn ra khi xuất hiện mưa lớn trong thời gian tới” – ông Long nói.
Ông Long cũng thông tin thêm nhiều vị trí bị ngập chiều ngày 8/10 có mặt đường trũng thấp so với địa hình lân cận. Một số nơi có nhà xây ven kênh, rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp.
Về giải pháp, ông Long cho biết trong thời gian tới, khi gặp tình trạng ngập do mưa và triều cường, người dân có thể phản ánh tới tổng đài 1022 của thành phố.
“Hiện tại, TPHCM đang triển khai những phần việc còn lại của dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự kiến năm 2025, dự án cải tạo hệ thống thoát nước các đường Lê Đức Thọ, Quang Trung và Nguyễn Văn Khối sẽ được khởi công. Sau khi những dự án này hoàn thành, tình hình ngập sẽ được giảm thiểu” – ông Long khẳng định.