8 câu hỏi thường gặp về chứng ám ảnh sợ hãi

1. Ám ảnh sợ hãi là gì?

ThS.BS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Hội chứng ám ảnh sợ hãi còn gọi là rối loạn ám ảnh sợ hãi là vấn đề thường gặp, trong đó người bệnh gặp phải cảm giác sợ quá mức các vật và các tình huống hoàn toàn không có tính nguy hiểm”.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, trong hầu hết các trường hợp, ám ảnh sợ hãi liên quan đến cảm giác nguy hiểm hoặc sợ bị tổn hại. Ví dụ, những người mắc chứng sợ không gian rộng sợ bị mắc kẹt ở một nơi hoặc tình huống không thể thoát ra.

Ám ảnh sợ hãi là nỗi sợ dai dẳng, quá mức, không thực tế về một vật thể, người, động vật, hoạt động hoặc tình huống nào đó. Đây là một loại rối loạn lo âu . Người mắc chứng ám ảnh sợ hãi sẽ cố gắng tránh thứ gây ra nỗi sợ hãi hoặc chịu đựng nỗi sợ hãi đó với sự lo lắng và đau khổ lớn. Một số chứng sợ hãi rất cụ thể và hạn chế. Ví dụ, một người có thể chỉ sợ nhện, sợ không gian kín, người khác sợ độ cao hoặc sợ không gian hẹp, sợ bay…

8 câu hỏi thường gặp về chứng ám ảnh sợ hãi- Ảnh 1.

Người bị ám ảnh sợ hãi thường có nỗi sợ hãi cực độ về một tình huống, sinh vật hoặc đồ vật nào đó.

2. Ám ảnh sợ hãi có nguy hiểm không?

Bản thân chứng ám ảnh sợ hãi không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị can thiệp có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm bao gồm:

Mất khả năng kiểm soát: Nỗi sợ hãi tột độ khiến họ cảm thấy mất kiểm soát, dẫn đến lo lắng, hoảng loạn, thậm chí trầm cảm .

Tránh né: Việc né tránh những tình huống hoặc vật thể khiến họ sợ hãi hạn chế khả năng tham gia vào các hoạt động bình thường, ảnh hưởng đến công việc, học tập, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống.

Lạm dụng chất kích thích : Một số người mắc chứng ám ảnh sợ hãi tìm đến rượu bia hoặc chất kích thích để tự điều trị lo lắng, dẫn đến nguy cơ nghiện.

Rối loạn sức khỏe thể chất: Căng thẳng, lo lắng kéo dài do chứng ám ảnh sợ hãi có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất như đau đầu, rối loạn tiêu hóa , mất ngủ và suy yếu hệ miễn dịch.

Có hành vi tự tử: Trong những trường hợp nghiêm trọng, nỗi tuyệt vọng, cô lập do chứng ám ảnh sợ hãi có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự tử.

3. Ám ảnh sợ hãi có điều trị được không?

ThS.BS. Nguyễn Minh Mẫn cho biết, ám ảnh sợ hãi khiến người mắc chứng này luôn ám ảnh một cách đeo đẳng, thậm chí cả trong giấc ngủ. Đây là rối loạn về mặt tâm lý, ví dụ do một số sang chấn tâm lý nhưng nặng hơn có thể là bệnh tâm thần. Người trẻ hay bị ám ảnh sợ, nhất là những người sống trong bạo lực gia đình hoặc được bảo bọc quá mức.

Ám ảnh sợ hãi có thể giải quyết được, cụ thể:

  • Nhóm 1: Nếu ám ảnh sợ hãi nằm trong nhóm rối loạn nào của hội chứng tâm thần cần các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, thăm khám và chỉ định dùng thuốc can thiệp.
  • Nhóm 2: Ám ảnh đơn thuần điều chỉnh về mặt tâm lý xã hội như phương pháp giải mẫn cảm, đối diện với nỗi sợ hãi.

Việc điều trị, quản lý chứng ám ảnh sợ hãi là rất quan trọng để cải thiện tình trạng và ngăn ngừa các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với người bệnh. Vì vậy nếu phát hiện bản thân hoặc hoặc người thân đang gặp phải chứng ám ảnh sợ hãi, mọi người nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hoặc tâm thần để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Với sự hỗ trợ thích hợp từ chuyên gia sức khỏe tâm thần, hầu hết mọi người mắc chứng rối loạn này sẽ học cách kiểm soát nỗi sợ hãi của mình, giảm bớt các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu không điều trị, giải quyết sẽ gây những hạn chế giao tiếp, gây bất ổn về sức khỏe, tâm lý.

4. Các phương pháp điều trị chứng ám ảnh sợ hãi

Trị liệu hành vi: Liên quan đến việc tiếp xúc dần dần với nguồn gốc của nỗi sợ hãi, bắt đầu với những nỗi sợ hãi nhẹ hơn, dần dần giải quyết những nỗi sợ hãi dữ dội hơn. Sự hợp tác của bệnh nhân là rất quan trọng để thành công.

Dùng thuốc: Thuốc thường là bước khởi đầu trước liệu pháp hành vi và không phải là phương pháp điều trị độc lập. Bao gồm kê đơn các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc chẹn beta để kiểm soát mức độ sợ hãi.

Người bệnh cần lưu ý tuân thủ đúng chỉ định điều trị, hầu hết mọi người không thể phục hồi hoàn toàn trong một sớm một chiều nên người bệnh và người thân cần kiên nhẫn, nỗ lực sẽ có kết quả tích cực.

5. Đông y có chữa được chứng ám ảnh sợ hãi không?

Đông y có thể hỗ trợ điều trị chứng ám ảnh sợ hãi ở một số trường hợp, tuy nhiên hiệu quả còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một số bài thuốc Đông y có tác dụng điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, giúp an thần, giảm căng thẳng, cải thiện tình trạng mất ngủ, lo âu, bồn chồn… giúp cải thiện các triệu chứng của chứng ám ảnh sợ hãi.

6. Bị ám ảnh sợ hãi nên khám ở đâu?

Nếu bạn lo lắng rằng mình có nguy cơ mắc chứng ám ảnh sợ hãi, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần để đánh giá nguy cơ và tư vấn, chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp.

Một số các bệnh viện lớn có chuyên khoa Sức khỏe tâm thần như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Tâm thần Trung ương… Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ kiểm tra, đánh giá mức độ lo âu và tư vấn điều trị cụ thể.

8 câu hỏi thường gặp về chứng ám ảnh sợ hãi- Ảnh 2.

Người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý, sức khỏe tâm thần.

7. Người bị ám ảnh sợ hãi cần chăm sóc bản thân như thế nào?

Người bị ám ảnh sợ hãi nên áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị, bao gồm:

  • Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga hoặc thiền.
  • Dành thời gian cho những người thân yêu.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Ăn uống lành mạnh.
  • Tránh xa rượu bia và chất kích thích vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu.

8. Tham khảo chi phí khám bệnh

Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi cần chữa trị dài ngày được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT.

Tùy cơ sở y tế, phí khám dịch vụ với bác sĩ chuyên khoa tâm thần dao động khoảng 100.000 – 500.000 đồng. Nếu cần làm test tâm lý, xét nghiệm máu, điện não đồ khoảng 300.000 – 500.000 đồng (tùy tình trạng và mức giá niêm yết tại cơ sở y tế). Ngoài ra, trường hợp cần điều trị bằng thuốc sẽ thêm một khoản chi phí.

Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa theo yêu cầu là 100.000 đồng; Khám đặt trước qua điện thoại là 150.000 đồng; Liệu pháp nâng đỡ – tư vấn tâm lý/ sức khỏe: 100.000 đồng; Điều trị và tư vấn tâm lý: 150.000 đồng…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *